Người Khuyết Tật Đi Làm Có Còn Được Hưởng Trợ Cấp Xã Hội Hằng Tháng Nữa Không?
Người thân của tôi là người khuyết tật nặng và hiện đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, gần đây người thân tôi đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định. Tôi xin hỏi, trong trường hợp này, người khuyết tật khi đi làm như vậy có còn được tiếp tục hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hay không? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Để giải đáp vấn đề trên của khách hàng, quý độc giả hãy cùng Hãng Luật Lê Phong tìm hiểu thông qua bài viết “Người Khuyết Tật Đi Làm Có Được Hưởng Trợ Cấp Xã Hội Hàng Tháng Nữa Không?” Hy vọng bài viết có thể hỗ trợ quý bạn độc giả giải quyết được một số vấn đề có thể liên quan đến việc hưởng trợ cấp xã hội của người bị khuyết tật.
Trợ Cấp Xã Hội Hàng Tháng Là Gì?
Hiện nay, chưa có văn bản nào định nghĩa cụ thể về trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là khoản hỗ trợ bằng tiền, tài sản hoặc hiện vật do Nhà nước hoặc các tổ chức phi Chính phủ trao cho những người có hoàn cảnh khó khăn như: người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, người gặp bất hạnh… nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, tại Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, cụ thể:
“1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này; b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm: a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.”
Như vậy, có thể hiểu trợ cấp xã hội hàng tháng là một chính sách an sinh quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật, nhằm hỗ trợ họ cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Người Khuyết Tật Đi Làm Có Còn Được Hưởng Trợ Cấp Xã Hội Hằng Tháng Không?
Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51 Luật Người khuyết tật 2010 quy định có nêu rõ:
“1. Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định.
2. Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất.”
Như vậy, khi người khuyết tật đi làm, ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), họ sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định tại Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010. Thay vào đó, tùy theo thời gian và mức độ tham gia BHXH, họ sẽ được hưởng các chế độ như: ốm đau, thai sản, lương hưu, trợ cấp tử tuất,… Sự thay đổi này phản ánh việc chuyển từ hỗ trợ an sinh xã hội sang hệ thống bảo hiểm, tạo điều kiện để người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống, có thu nhập ổn định và bảo đảm quyền lợi khi tham gia lao động. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ chính sách nào Luật Người khuyết tật 2010 quy định trợ cấp cho người khuyết tật mà các quy định pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa có quy định thì người khuyết tật vẫn sẽ được hưởng các chính sách đó.
Tóm lại, việc người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn là bước quan trọng giúp họ tự tin hòa nhập với cộng đồng, khẳng định vai trò và giá trị của bản thân trong xã hội. Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm xã hội, người khuyết tật còn được hưởng các chế độ bảo đảm như ốm đau, thai sản, hưu trí hay tử tuất… góp phần bảo vệ quyền lợi về lâu dài và mang lại sự an tâm trong quá trình lao động và sinh sống.
Mức Hưởng Trợ Cấp Xã Hội Hằng Tháng Hiện Nay Là Bao Nhiêu?
Mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được tính theo công thức:
Mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng = Mức chuẩn trợ cấp xã hội x Hệ số
Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP quy định:
“Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.”
Căn cứ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, hệ số trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người khuyết tật là:
“- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
- Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.”
Như vậy, mức trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người khuyết tật sẽ được xác định dựa trên tình trạng khuyết tật và độ tuổi của họ. Cụ thể, hệ số trợ cấp được tính theo các tiêu chí này, sau đó nhân với mức cơ sở 500.000 đồng để ra được số tiền trợ cấp cụ thể mà người khuyết tật được hưởng mỗi tháng.
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Người Khuyết Tật Đi Làm Có Còn Được Hưởng Trợ Cấp Xã Hội Hằng Tháng Nữa Không?” Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy liên hệ tới chúng tôi qua thông tin dưới đây để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả:
Thông tin liên hệ
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: Số 10 Sông Thao, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể sử dụng tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo