CÔ RUỘT CÓ ĐƯỢC NHẬN CHÁU LÀM CON NUÔI KHÔNG?
Mẹ của bé là chị dâu tôi, đã bỏ đi nhiều năm và mất liên lạc, để lại con cho vợ chồng tôi chăm sóc. Tôi muốn nhận cháu làm con nuôi thì phải làm sao? (Uyên Nguyễn)
Luật sư tư vấn
Trước hết, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Nuôi con nuôi 2010, chị là cô/dì ruột muốn nhận cháu làm con nuôi thì thuộc trường hợp được ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế. Ngoài ra, chị sẽ được miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 114/2016/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, chị muốn nhận cháu làm con nuôi thì phải thỏa mãn các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có tư cách đạo đức tốt; không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi sau đây:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
- Đang chấp hành hình phạt tù.
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Ngoài ra, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, người được nhận làm con nuôi phải là: trẻ em 16 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc trường hợp được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Như vậy, cháu của chị phải dưới 18 tuổi thì mới thuộc trường hợp được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, nếu cháu từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có ý kiến đồng ý của cháu.
Một điều kiện khác là, tại khoản 1 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi. Nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ.
Về nguyên tắc, khi cô/dì ruột nhận cháu làm con nuôi thì phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo thông tin chị cung cấp thì chưa rõ cha đẻ của cháu hiện nay như thế nào? Nếu người cha không thuộc các trường hợp đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì cần phải có sự đồng ý của cha.
Mặt khác, mẹ của cháu chỉ bỏ đi chứ không thuộc các trường hợp theo quy định nêu trên, nên để nhận cháu làm con nuôi thì vẫn phải có sự đồng ý của mẹ cháu bé.
Như vậy, chị có thể nhận cháu của mình làm con nuôi nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Để đăng ký nuôi con nuôi, chị phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của cháu bé tại UBND cấp xã nơi thường trú của chị hoặc của cháu bé. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Liên hệ sử dụng hỗ trợ pháp lý của Hãng Luật Lê Phong
Hình thức tư vấn trực tiếp:
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: 99 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể liên hệ tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo