Sống Chung Như Vợ Chồng Có Được Chia Thừa Kế Không?
Chào Luật sư, tôi có sống chung với một người đàn ông nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi cùng nhau mua nhà, mở tiệm kinh doanh. Tuy nhiên, anh ấy bị bệnh và mất đột ngột. Vậy nếu nam nữ không đăng ký kết hôn, sống chung với nhau như vợ chồng thì pháp luật có cho phép được hưởng tài sản thừa kế của nhau khi một người chết không? Có thể chứng minh việc chung sống như vợ chồng bằng cách nào để được Tòa án chấp nhận?
Để giải đáp vấn đề trên của khách hàng, quý bạn độc giả hãy cùng Hãng Luật Lê Phong tìm hiểu thông qua bài viết “Sống Chung Như Vợ Chồng Có Được Chia Thừa Kế Không?” Hy vọng bài viết có thể hỗ trợ quý bạn độc giả giải quyết được một số vấn để có liên quan đến thừa kế.
Như Thế Nào Là Chung Sống Như Vợ Chồng?
Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.
Đồng thời căn cứ điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định hành vi nghiêm cấm như sau: “c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Như vậy, "chung sống như vợ chồng" được hiểu là việc nam, nữ sống chung và đối xử với nhau như vợ chồng trên thực tế, dù không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, việc chung sống này chỉ không vi phạm khi cả hai đều đang độc thân. Nếu một trong hai người đang có vợ hoặc chồng mà vẫn chung sống với người khác như vợ chồng thì hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Chung Sống Như Vợ Chồng Có Được Chia Thừa Kế Không?
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng vẫn có thể được hưởng thừa kế tài sản của nhau nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Hưởng di sản theo di chúc
Căn cứ Điều 609, Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có thể được hưởng di sản thừa kế của người còn lại theo di chúc; Phần tài sản mà họ được hưởng cụ thể sẽ được chia theo di chúc, sau khi đã trừ đi phần tài sản chia cho những người hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc;
Tuy nhiên, để được chia tài sản theo di chúc thì di chúc này phải là di chúc hợp pháp, có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế và tài sản còn tồn tại tại thời điểm phân chia;
Trường hợp 2: Được Tòa án công nhận là vợ chồng và được giải quyết yêu cầu chia thừa kế tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Căn cứ khoản 2, Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.”
Như vậy, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, không đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận có quan hệ hôn nhân từ thời điểm sống chung. Các thời điểm sống chung như vợ chồng và không đăng ký kết hôn khác đều không được pháp luật công nhận có quan hệ hôn nhân để chia thừa kế.
Theo đó, khi một người mất, người còn lại cũng sẽ được hưởng di sản thừa kế theo hàng, diện thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Và việc công nhận quan hệ hôn nhân và phân chia di sản thừa kế lúc này phải được thực hiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền/hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng tại tòa và tự thực hiện chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật theo quy định. Bên có yêu cầu chia di sản thừa kế cũng phải chuẩn bị giấy tờ, tài liệu để chứng minh có quan hệ chung sống hôn nhân như vợ chồng để được tòa án công nhận;
Căn Cứ Xác Định Chung Sống Như Vợ Chồng Để Chia Thừa Kế Là Gì?
Trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng từ thời điểm trước 03/01/1987, nam nữ được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân, căn cứ khoản 2, Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Do đó, khi quan hệ hôn nhân được công nhận, nam nữ được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật tài sản của nhau theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự.
Căn cứ để tòa án công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn để làm căn cứ chia thừa kế được thực hiện theo điểm d, khoản 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, gồm một trong những trường hợp sau:
“ - Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc nam nữ chung sống với nhau được gia đình chấp nhận;
- Nam nữ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau và cùng nhau xây dựng gia đình.”
Khi thấy thuộc một trong những trường hợp này và thời điểm bắt đầu chung sống là từ trước 03/01/1987, nam nữ có quyền yêu cầu tòa án nhân dân công nhận quan hệ hôn nhân và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Nếu chia thừa kế theo di chúc thì có thể chỉ cần tòa án công nhận quan hệ hôn nhân/quan hệ vợ chồng.
Như vậy, để xác định quyền thừa kế, trước hết cần làm rõ thời điểm bạn và người đàn ông đó bắt đầu chung sống. Nếu sống chung sau năm 1987 mà không đăng ký kết hôn thì bạn chỉ có quyền hưởng di sản nếu có di chúc hợp pháp. Trường hợp không có di chúc, theo pháp luật, bạn không được xem là người thừa kế của người đàn ông đó.
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn “Sống Chung Như Vợ Chồng Có Được Chia Thừa Kế Không?” Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy liên hệ tới chúng tôi qua thông tin dưới đây để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả:
Thông tin liên hệ
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: Số 10 Sông Thao, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể sử dụng tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo