PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC THAY ĐỔI THÔNG TIN HỘ TỊCH CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI TẠI VIỆT NAM
Pháp luật Việt Nam đã công nhận về nguyên tắc việc chuyển đổi giới tính. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã ghi nhận hai quyền nhân thân liên quan đến xác định giới tính của công dân Việt Nam. Đó là quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đã gần 05 năm từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực, việc thực hiện chuyển đổi giới tính về mặt pháp lý hay cụ thể hơn là vấn đề xác định lại giới tính trên giấy tờ tùy thân, giấy tờ có liên quan đến tài sản đăng ký quyền sở hữu… trên thực tế, vẫn chưa có một cơ chế hỗ trợ thực thi một cách rõ ràng và hiệu quả. Bài viết phân tích quy định pháp luật Việt Nam về thủ tục thay đổi thông tin hộ tịch cho người chuyển giới tại Việt Nam, trên cơ sở quan sát cách làm từ một số quốc gia khác trên thế giới, có sử dụng Lý thuyết pháp luật nữ quyền làm phương pháp luận để đánh giá các quy định pháp luật về bình đẳng giới, bên cạnh các phương pháp nghiên cứu luật học truyền thống như phân tích, tổng hợp, bình luận.
Hiện nay, người đã chuyển giới từ nam sang nữ, hoặc từ nữ sang nam, có một cơ thể đã được can thiệp y tế, đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình vì hiện nay tại Việt Nam, họ vẫn đang có các giấy tờ pháp lý thể hiện giới tính khác với vẻ ngoài đã được chỉnh sửa (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy khai sinh, hộ khẩu). Điều này dẫn tới việc nhiều quyền lợi về giới của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đơn cử như nhu cầu kết hôn hợp pháp[1], nhu cầu nuôi con nuôi chung cho hai vợ chồng[2], dẫn đến các hệ lụy như các quan hệ tình cảm (sự gắn bó về quyền và nghĩa vụ pháp lý tác động nhất định đến quan hệ tình cảm), quan hệ tài sản sẽ kém bền vững hơn những mối quan hệ được pháp luật thừa nhận và điều chỉnh.
Bài viết sẽ phân tích quy định pháp luật Việt Nam về thủ tục thay đổi thông tin hộ tịch cho người chuyển giới tại Việt Nam, trên cơ sở quan sát cách làm từ một số quốc gia khác trên thế giới, có sử dụng Lý thuyết pháp luật nữ quyền[3] làm phương pháp luận để đánh giá các quy định pháp luật về bình đẳng giới, bên cạnh các phương pháp nghiên cứu luật học truyền thống như phân tích, tổng hợp, bình luận, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này.
1. Thực trạng quy định pháp luật của Việt Nam
Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) đã ghi nhận hai quyền nhân thân liên quan đến xác định giới tính của công dân Việt Nam. Đó là quyền xác định lại giới tính (Điều 36) và chuyển đổi giới tính (Điều 37).
Cụ thể, Điều 36 BLDS quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Khi cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính rồi, họ có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật và có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại. Điều này có nghĩa việc xác định lại giới tính chỉ được đặt ra khi bộ phận cơ thể dùng xác định giới tính có khuyết tật bẩm sinh hoặc hình dạng chưa đủ rõ để có thể xác định đúng.
Riêng đối với việc chuyển đổi giới tính được quy định tại Điều 37 thì được quy định khá chung chung khi tuyên bố rằng “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật và có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Tuy BLDS không giải thích thêm nhưng có thể thấy, việc chuyển đổi giới tính chỉ có thể thực hiện khi có sự can thiệp của y học, giống như trường hợp của quyền xác định lại giới tính. Nhưng lý do, ranh giới và điều kiện thực hiện vẫn còn đang được BLDS bỏ ngỏ và giao về cho luật liên quan.
Tóm lại, cả hai điều luật trên đều cho phép cá nhân sử dụng biện pháp y học can thiệp để có thể tìm lại đúng giới tính theo nghĩa đồng nhất về giới giữa ý chí và thể xác mà bản thân họ mong muốn khao khát. Đây là một quy định hết sức nhân văn và tiến bộ, đáp ứng được khát vọng được chuyển đổi giới tính không chỉ về mặt sinh học mà còn về mặt pháp lý của cá nhân. Tuy nhiên, đã gần 05 năm từ ngày BLDS có hiệu lực, việc thực hiện chuyển đổi giới tính về mặt pháp lý hay cụ thể hơn là vấn đề xác định lại giới tính trên giấy tờ tùy thân, giấy tờ có liên quan đến tài sản đăng ký quyền sở hữu vẫn chưa được thực thi trên thực tế. Ngoài ra, một số quan hệ pháp luật gắn với nhân thân của người này cần được quan tâm giải quyết kèm theo, ví dụ như quan hệ hôn nhân, quan hệ cha con, mẹ con sau khi chuyển giới…
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã được xây dựng từ năm 2017, nhưng hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức dự thảo. Đồng thời, tại Dự thảo có quy định người chuyển đổi giới tính có nghĩa vụ thay đổi thông tin hộ tịch và các giấy tờ tùy thân sau khi đã chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định cụ thể phải thực hiện nghĩa vụ trên tại cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân hoặc là thực hiện tại cơ quan tư pháp là Tòa án.
Dưới lăng kính của Lý thuyết pháp luật nữ quyền, có thể thấy rằng, việc chuyển giới từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam tại Việt Nam đang được pháp luật đối xử giống nhau giữa hai giới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính hiện nay mới chỉ được ghi nhận về mặt lý thuyết mang tính tuyên ngôn, mà chưa được triển khai trên thực tế, ảnh hưởng đến việc phát triển tự do về giới của cá nhân. Dù chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam, hay từ nam sang nữ, theo tác giả, việc thực thi quyền vẫn phải gắn với khía cạnh bình đẳng giới, đối tượng hướng tới của Lý thuyết pháp luật nữ quyền mà mục tiêu cao nhất là tiến tới một xã hội công bằng, tiến bộ, bảo đảm sự phát triển toàn vẹn về giới.
2. Giới thiệu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
Trên thế giới hiện có ba cách cơ bản để thực hiện quyền đổi thông tin hộ tịch cho người chuyển giới: Thủ tục hành chính (Bồ Đào Nha), thủ tục tư pháp (Bang Vernont - Hoa Kỳ, Hà Lan) và thủ tục tuyên bố thực tế (Na Uy)[4]. Cụ thể:
Theo Điều 2 và Điều 3 Luật Nhận dạng giới tính 2010[5] của Bồ Đào Nha thì việc thay đổi có thể được yêu cầu bởi cá nhân có quốc tịch Bồ Đào Nha, đủ tuổi trưởng thành không bị hạn chế năng lực vì lý do “có bất thường về tâm thần” và được chẩn đoán có rối loạn nhận dạng giới. Đồng thời, yêu cầu có thể được thực hiện ở bất kỳ cơ quan hộ tịch nào với điều kiện cần cung cấp được các giấy tờ có liên quan.
Theo Luật của Bang Vernont - Hoa Kỳ, việc thay đổi tên và giới tính trên giấy chứng sinh, thẻ căn cước và các giấy tờ định danh khác được thực hiện bằng cách nộp đơn yêu cầu (gọi là Order Changing Name) tại Tòa án. Một trong số các giấy tờ nộp kèm là thư xác nhận có chữ ký của bác sĩ có chuyên môn. Sau khi Tòa án ban hành phán quyết Order Changing Name, người yêu cầu có thể thay đổi thông tin trên các giấy tờ khác của họ một cách dễ dàng và được khuyến khích.
Tại Điều 1:28 Bộ luật Dân sự Hà Lan[6] quy định: Mọi công dân Hà Lan tin rằng mình có giới tính khác với giới tính được ghi nhận trên giấy khai sinh, đã trải qua can thiệp y học về giới tính mong muốn trong chừng mực được chấp nhận về mặt thể chất và tinh thần từ cơ quan y tế. Nếu sau khi can thiệp y học, họ không còn khả năng sinh sản tự nhiên thì có thể yêu cầu Tòa án cấp Quận thay đổi ghi chú về giới tính (Dutch Civil Law, Điều 1:28).
Luật Chuyển đổi giới Na Uy (2016)[7] cho phép trẻ em từ 06 tuổi trở lên có quyền chuyển đổi giới tính theo pháp luật mà không cần phẫu thuật chuyển giới, đồng thời cũng không cần thiết phải tham dự những buổi tư vấn tâm lý như trước đây. Thực hiện bằng cách đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như một thủ tục tuyên bố thực tế (“a simple “self-declaration” procedure”). Thực chất, thủ tục này cũng có thể được xem là thủ tục hành chính do được thực hiện thông qua việc đăng ký tại cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, thủ tục này lại đơn giản hơn thủ tục hành chính được quy định tại Bồ Đào Nha do không cần chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, mà chỉ cần bằng hình thức tuyên bố về giới tính của họ một cách công khai trước cơ quan nhà nước để được thay đổi thông tin hộ tịch về giới tính.
3. Đề xuất về thủ tục thay đổi thông tin hộ tịch cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm thực tế của các nước đã nêu, đối chiếu với tình hình kinh tế - xã hội cũng như pháp luật Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất quan điểm giải quyết việc thay đổi thông tin hộ tịch cho người chuyển giới bằng thủ tục tư pháp như giải quyết một việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 (BLTTDS) do một số thuận lợi như sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho vấn đề này thì cần nhìn nhận yêu cầu chuyển đổi giới tính về mặt pháp lý như một yêu cầu về việc dân sự. Đây có thể là giải pháp có khả năng áp dụng trên thực tế cả trong hiện tại lẫn tương lai. Cụ thể, đây có thể được xem là yêu cầu khác về dân sự được quy định tại khoản 10 Điều 27 BLTTDS và Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (theo khoản 2 Điều 4 BLTTDS). Đồng thời, khi giải quyết Tòa án có thể áp dụng Mục 3 BLTTDS về giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng.
Thứ hai, các quan hệ pháp luật gắn với nhân thân của người chuyển giới hoàn toàn có thể được Tòa án giải quyết một cách triệt để trong quá trình giải quyết việc dân sự này. Cụ thể, Tòa án có thể triệu tập những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như vợ, chồng, con, cha, mẹ… của họ, để từ đó giải quyết các quan hệ về hôn nhân gia đình, quyền nhân thân và tài sản phù hợp với yêu cầu chuyển đổi giới tính và thay đổi họ tên (nếu có).
Như vậy, trên cơ sở quyết định của Tòa án, người chuyển giới có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục về hành chính để thay đổi các giấy tờ tùy thân cho phù hợp với tên gọi và giới tính đã được Tòa án công nhận.