LƯU Ý VỀ GIẤY TỜ CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI
Ở Việt Nam, định kiến giới về người chuyển đổi giới tính và các quyền nhân thân của họ vẫn nặng nề và khó chấp nhận. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được sự đấu tranh công khai giành quyền và lợi ích hợp pháp cho mình của cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển đổi giới tính nói riêng. Vậy, đối với người chuyển đổi giới tính cần phải làm gì? Cần thực hiện các trình tự thủ tục gì để được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Bài viết dưới đây Hãng Luật Lê Phong sẽ cung cấp cho bạn thông tin về “giấy tờ cho người chuyển giới” và giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
I. Hồ Sơ, Trình Tự, Thủ Tục Tiến Hành Chuyển Đổi Giới Tính
1. Hồ sơ đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính
Hiện nay, các quy định về vấn đề “chuyển đổi giới tính” chưa được quy định chi tiết và cụ thể tại văn bản Luật, dưới Luật nào. Tuy nhiên, Tại Điều 19 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định hồ sơ đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính;
- Giấy tờ chứng minh đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính đối với trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật này (trừ trường hợp người đã phẫu thuật để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực).
2. Thủ tục pháp lý đối với người chuyển đổi giới tính
Việc tiến hành các thủ tục pháp lý đối với người chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ tùy thân là vấn đề khá phức tạp, việc tiến hành chuyển đổi giới tính đồng nghĩa với việc thay đổi họ tên của người chuyển đổi giới tính. Tất nhiên sự thay đổi không tạo ra một cá nhân mới mà đơn thuần là việc trả lại cho họ những thứ thuộc về bản chất và việc thay đổi họ tên là sao cho phù hợp. Việc chuyển đổi giới tính được tiến hành trên rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau: giấy khai sinh, căn cước công dân, hộ khẩu…và việc đính chính lại các thông tin trên sổ sách quản lý địa chính cũng đòi hỏi một quá trình tốn nhiều thời gian, thủ tục.
Sau khi đã tiến hành xác định và được cấp giấy chứng nhận là người chuyển đổi giới tính (chuyển giới nam/nữ) người chuyển đổi giới tính sẽ tiến hành các thủ tục để chuyển đổi giới tính tại Ủy ban nhân dân cấp huyện giống như trường hợp xác định lại giới tính. Thủ tục về chuyển đổi giấy tờ tùy thân có thể được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người chuyển giới phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính giấy khai sinh của người cần thay đổi, ngoài ra còn cần có các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc chuyển đổi giới tính và để được Trung tâm quốc gia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chuyển đổi giới tính
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân
Căn cứ khoản 3 Điều 46 Luật hộ tịch “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.”
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận và phải ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 3: Cơ quan đăng ký hộ tịch thụ lý hồ sơ cải chính hộ tịch (Điều 28 Luật Hộ Tịch 2014)
– Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch; cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
– Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
– Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Ii. Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Chuyển Đổi Giới Tính
1. Đối xử phân biệt với người đã chuyển đổi giới tính có bị phạt không?
Tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về xác định lại giới tính như sau: “1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…b) Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.”
Theo đó, nếu bạn bị phân biệt đối xử với vì là người đã xác định lại giới tính thì người phân biệt đối xử sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 5.000.000 đồng và buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt (Điểm a Khoản 3 Điều trên)
2. Sau khi chuyển đổi giới tính xong thì có được làm thủ tục thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay không?
Điều 36 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Sau khi đã được chuyển đổi giới tính, công dân có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, đổi lại chứng minh nhân dân (căn cước công dân) để phù hợp với giới tính đã được đổi (theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015)
Ngoài ra công dân cũng có quyền thay đổi tên căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
[…] e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; […]”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì sau khi đã thực hiện chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ thay đổi làm lại giấy khai sinh, giấy tờ. Đăng ký lại giới tính thật của mình, thay đổi tên cho phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi và họ sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại.
3. Trường hợp sau khi chuyển đổi giới tính thì có quyền đăng ký kết hôn như người bình thường hay không?
Theo Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện để đăng ký kết hôn thì: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Theo đó việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ không được công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên căn cứ tại Điều 37 Bộ Luật dân sự 2015 quy định đối với người chuyển giới đã thực hiện chuyển giới theo đúng quy định của pháp luật sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Trong đó có quyền được kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy người chuyển giới có thể đăng ký kết hôn khi đã chuyển đổi giới tính đã đăng ký thay đổi hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch. Và họ phải đáp ứng các điều kiện để đăng ký kết hôn được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014
4. Người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ có bắt buộc phải thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch không?
Căn cứ theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chuyển đổi giới tính như sau:
"Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan."
Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
5. Chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hoóc-môn) thì có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?
Về vấn đề này hiện tại chưa có câu trả lời chính xác. Theo quy định mới, chưa định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận là “đã chuyển đổi giới tính”, toàn phần hay là một phần. Đây cũng là điều bình thường vì Bộ luật thường chỉ quy định khái quát và có các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết. Xu hướng trên thế giới là chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ. Đây là sẽ công việc mà chúng ta sẽ tiếp tục vận động và cung cấp thông tin cho các nhà làm luật trong tương lai.
6. Sau khi chuyển giới có được làm lại căn cước công dân gắn chip không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển đổi giới tính như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã công nhận việc chuyển đổi giới tính, đồng thời sau khi chuyển đổi giới tính cá nhân có quyền và nghĩa vụ phải đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
“1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
…
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
….”
Theo đó, trong trường hợp chuyển giới thì người chuyển giới cần phải xác định lại giới tính và là trường hợp được cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chip nếu có yêu cầu.
7. Chuyển đổi giới tính có được yêu cầu chỉnh sửa văn bằng đại học không?
Căn cứ Điều 22 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT có quy định các trường hợp chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ như sau:
“ Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp sau:
1. Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch;
2. Được xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
3. Được bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch;
4. Được đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh.”
Theo đó, trường hợp xác định lại giới tính theo thông tin hộ tịch thì người chuyển giới được yêu cầu chỉnh sửa văn bằng đại học theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số thông tin về hồ sơ thủ tục để công nhận chuyển đổi giới tính và giải đáp một số thắc mắc các vấn đề liên quan đến giấy tờ của người chuyển đổi giới sau khi tiến hành chuyển đổi giới tính. Hiện tại Luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành chính thức, do vậy về các vấn đề liên quan tới chuyển đổi giới trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này, hãy liên hệ với Hãng Luật Lê Phong cam kết uy tín, chất lượng với nhiều năm kinh nghiệm.
Liên hệ sử dụng hỗ trợ pháp lý của Hãng Luật Lê Phong
Hình thức tư vấn trực tiếp:
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: 99 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể liên hệ tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo