Làm Gì Để Hạn Chế Rủi Ro Khi Mua Nhà Đang Thế Chấp Ngân Hàng?
Chào Luật sư, tôi đang có nhu cầu mua một căn nhà. Tuy nhiên, căn nhà này đang thế chấp tại ngân hàng. Tôi không biết mua nhà đang thế chấp thì có rủi ro gì hay không? Nếu có thì phải làm gì để hạn chế rủi ro khi mua nhà đang thế chấp tại ngân hàng? Xin cảm ơn!
Để giải đáp vấn đề trên của khách hàng, quý bạn độc giả hãy cùng Hãng Luật Lê Phong tìm hiểu thông qua bài viết “Làm Gì Để Hạn Chế Rủi Ro Khi Mua Nhà Đang Thế Chấp Ngân Hàng?”Hy vọng bài viết có thể hỗ trợ quý bạn độc giả giải quyết được một số vấn để có liên quan đến việc mua bán nhà đất trong giao lưu dân sự.
Thế Chấp Tài Sản Ngân hàng Là Gì?
Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”
Theo đó, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Như vậy, việc thế chấp tài sản là nhà ở tại ngân hàng là việc chủ sở hữu nhà đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở đi thế chấp để vay một khoản tiền tại ngân hàng. Và ngôi nhà đang bị thế chấp tại ngân hàng đó sẽ có những hạn chế nhất định.
Bên Thế Chấp Có Được Bán Nhà Khi Đang Thế Chấp?
Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp, cụ thể:
“1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thoả thuận.
2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.”
Theo quy định này, đối với tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh (như bất động sản) thì bên thế chấp có quyền bán nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu tài sản thế chấp tại ngân hàng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, thì việc bán ngôi nhà đang được thế chấp chỉ có thể thực hiện khi có sự đồng ý của ngân hàng.
Làm Gì Để Hạn Chế Rủi Ro Khi Mua Nhà Đang Thế Chấp Ngân Hàng?
Thông thường, những căn nhà đang được thế chấp tại ngân hàng sẽ được rao bán với mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường. Tuy nhiên, khi quyết định mua loại bất động sản này, người mua cũng phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.
Thứ nhất: Khi tài sản được thế chấp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường do ngân hàng giữ, khiến người mua khó có thể kiểm tra chính xác các thông tin pháp lý liên quan đến thửa đất và căn nhà dự định mua.
Thứ hai: Bất động sản có thể đang trong tình trạng tranh chấp giữa các đồng sở hữu, dẫn đến quá trình giao dịch mua bán gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể hoàn tất.
Do đó, để hạn chế những rủi ro không đáng có khi mua nhà đang được thế chấp tại ngân hàng, người mua cần lưu ý những điểm sau:
· Trong trường hợp xác định rõ bất động sản đang được thế chấp, cần yêu cầu thực hiện giao dịch ba bên gồm: bên bán, bên mua và ngân hàng để đảm bảo tính minh bạch và pháp lý;
· Tất cả các thỏa thuận, bao gồm cả hợp đồng đặt cọc (nếu có), cần được lập thành văn bản và công chứng đầy đủ để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý, bạn nên tìm đến sự tư vấn của Luật sư. Với kinh nghiệm dày dạn, Luật sư có thể hỗ trợ bạn nhận diện và phòng tránh những vấn đề pháp lý liên quan đến việc mua bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng.
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Làm Gì Để Hạn Chế Rủi Ro Khi Mua Nhà Đang Thế Chấp Ngân Hàng?” Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy liên hệ tới chúng tôi qua thông tin dưới đây để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả:
Thông tin liên hệ
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: Số 10 Sông Thao, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể sử dụng tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo