Cặp Đôi Đồng Tính Có Được Nhận Nuôi Con Nuôi Tại Việt Nam?
Tôi và bạn trai là người đồng tính. Chúng tôi đã sống chung như vợ chồng trong suốt 7 năm qua, có cuộc sống ổn định về tài chính và tinh thần. Hiện tại, chúng tôi rất mong muốn được nhận một đứa trẻ làm con nuôi để xây dựng một gia đình đầy đủ và yêu thương. Vậy pháp luật Việt Nam có cho phép không? Nếu được thì phải làm thế nào?
Để giải đáp vấn đề trên của khách hàng, quý bạn độc giả hãy cùng Hãng Luật Lê Phong tìm hiểu thông qua bài viết “Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?”. Hy vọng bài viết có thể hỗ trợ quý bạn độc giả giải quyết được một số vấn để có liên quan đến vấn đề về nhận nuôi con nuôi.
Những ai được quyền nhận con nuôi theo pháp luật Việt Nam?
Theo Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định:
“Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.”
Theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.”
Như vậy, người nhận con nuôi phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lớn hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở phù hợp và có tư cách đạo đức tốt. Ngoài ra, một người chỉ được làm con nuôi của một cá nhân độc thân hoặc của hai người là vợ chồng hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc các cặp đôi đồng tính, cũng như hai người không có đăng ký kết hôn hiện nay ở Việt Nam không thể cùng lúc đứng tên làm cha mẹ nuôi cho một đứa trẻ.
Độ tuổi được nhận làm con nuôi là bao nhiêu?
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010, người được nhận làm con nuôi, bao gồm:
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi;
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b. Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.”
Tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra giới hạn nhằm đảm bảo tính hợp lý trong quan hệ gia đình. Cụ thể, Khoản 6 Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010, có quy định nghiêm cấm hành vi:
“Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi”.
Mục đích của quy định này là để tránh sự đảo lộn vai vế trong gia đình hoặc tránh việc lợi dụng việc nhận nuôi vì những mục đích không chính đáng, chẳng hạn như chiếm đoạt tài sản thừa kế.
Từ những quy định trên, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam ưu tiên việc nhận con nuôi đối với trẻ dưới 16 tuổi – là độ tuổi đang cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục một cách toàn diện về nhân cách và lối sống. Đồng thời, việc hạn chế nhận nuôi đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cũng xuất phát từ thực tế, vì ở độ tuổi này các em đã gần trưởng thành, nên pháp luật chỉ cho phép nhận nuôi nếu có quan hệ gia đình gần gũi với người nhận nuôi, như cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột. Trừ trường hợp là ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi để tránh sự đảo lộn vai vế hoặc lợi dụng việc nhận nuôi để phục vụ các mục đích khác.
Quy định về sự đồng ý trong việc nhận con nuôi theo pháp luật Việt Nam?
Theo Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010, quy định:
“1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.”
Như vậy, pháp luật Việt Nam đặt ra yêu cầu rất rõ ràng và chặt chẽ về sự đồng ý trong việc nhận con nuôi, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả bên nhận nuôi và bên được nhận nuôi. Sự đồng ý này không chỉ cần đến từ cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ, mà trong một số trường hợp còn phải có sự đồng ý của chính trẻ em, nếu trẻ đã đủ 09 tuổi. Đây là cách pháp luật thể hiện sự tôn trọng đối với ý chí và quyền tự quyết của các bên liên quan, đồng thời ngăn chặn các hành vi mua bán, ép buộc hoặc lợi dụng việc nhận con nuôi vào mục đích trái pháp luật.
Vậy cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
Theo quy định tại các Điều 8, Điều 13 và Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 đã đề cập. Theo đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được quyền nhận nuôi con nuôi phải là cá nhân đang độc thân, hoặc cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp, nghĩa là đã kết hôn theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp, cặp đôi đồng tính mong muốn được nhận nuôi con nuôi. Mặc dù pháp luật Việt Nam không cấm những người đồng tính sống chung, song cũng chưa có bất kỳ quy định nào công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là hợp pháp. Do đó, về mặt pháp lý các bạn vẫn chưa là vợ chồng hợp pháp, nên không đáp ứng điều kiện để được nhận con nuôi.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010, một cá nhân đang độc thân có quyền được nhận con nuôi và một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Do đó, để một cặp đôi đồng tính được nhận nuôi con nuôi thì một trong hai bạn có thể làm thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp là người độc thân và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 14 của Luật này.
Trình tự, thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam?
BƯỚC 1. Nộp hồ sơ đăng ký nhận nuôi con
- Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
- Thời hạn giải quyết việc nhận con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
BƯỚC 2. Kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người liên quan
- UBND cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ;
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành xong việc lập ý kiến của những người liên quan bằng văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.
BƯỚC 3. Cấp giấy chứng nhận nhận nuôi con nuôi
- Nếu đủ điều kiện, UBND cấp xã sẽ tiến hành tổ chức đăng ký nuôi con và trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi.
- Ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người liên quan bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến tại BƯỚC 2.
Trường hợp không đủ điều kiện, trong vòng 10 ngày kể từ ngày lập văn bản lấy ý kiến tại BƯỚC 2, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do từ chối đăng ký nhận nuôi con nuôi.
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Cặp Đôi Đồng Tính Có Được Nhận Con Nuôi Tại Việt Nam? Dù chưa được pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng các cá nhân đồng tính vẫn có thể thực hiện quyền nhận con nuôi với tư cách là người độc thân. Đây là một hướng đi hợp pháp giúp hiện thực hóa mong muốn làm cha mẹ trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Trong tương lai, nếu pháp luật có sự thay đổi tiến bộ hơn, hy vọng rằng quyền lợi của các cặp đôi đồng tính sẽ được bảo đảm đầy đủ hơn.
Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy liên hệ tới chúng tôi qua thông tin dưới đây để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả:
Thông tin liên hệ
Hãng Luật Lê Phong tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở trụ sở:
VP tại TPHCM: 99 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
VP tại Bình Phước: 160 Lý Thường Kiệt, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước.
Hình thức tư vấn online:
Nếu quý khách hàng không thể đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng thì có thể sử dụng tư vấn online để được hỗ trợ nhanh nhất:
C1: Liên hệ đến số hotline: 0979 629 640 – 0915 438 323
C2: Để lại tin nhắn qua Zalo: Hãng Luật Lê Phong trên Zalo